Tết Đoan ngọ còn được dân gian gọi là bằng cái tên dân dã hơn là Tết giết sâu bọ. Tết Đoan ngọ được tổ chức vào ngày mùng 5/5 âm lịch, đây là một trong những ngày lễ truyền thống có nội hàm văn hóa phong phú.
Người xưa quan niệm rằng: Trong cơ thể con người, nhất là bộ phận tiêu hoá thường có sâu bọ ẩn sống, nếu không diệt trừ thì sâu bọ ngày càng sinh sôi nảy nở gây nguy hại cho con người. Lũ sâu bọ này chỉ lộ diện vào ngày 5/5 Âm lịch nên phải làm lễ trừ sâu bọ vào ngày này.
Theo quan niệm cổ truyền, có thể giết sâu bọ bằng cách ăn thức ăn, hoa quả, rượu nếp vào ngày 5/5. Cách trừ sâu bọ trong người như sau: mọi người sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc. Rồi bước chân ra khỏi giường ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết.
Ảnh minh họa.
Mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ 5/5
Theo truyền thống, mâm lễ vật cúng Tết Đoan ngọ (còn gọi là Tết giết sâu bọ) bao gồm: hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp, các loại hoa quả bánh trái có vị chua, cay, nóng.
Trong đó, không thể thiếu món bánh tro, bánh ú, cơm rượu nếp, xôi, chè.
Lễ vật cúng Tết Đoan ngọ sẽ có đôi chút khác nhau theo vùng miền. Ví dụ như, miền Bắc có bánh tro trên mâm cúng còn miền Nam có bánh ú, chè trôi nước, miền Trung lại có chè kê.
Với mâm cúng miền Bắc, người dân thường sắm sanh lễ vật là các loại hoa quả mùa hè như mận, đào, vải, xoài, cơm rượu nếp...
Ngoài mâm cỗ chay, người dân cũng chuẩn bị thêm mâm cỗ mặn để cúng Tết Đoan ngọ, trong đó món truyền thống là thịt vịt. Nguyên do là vì dân gian tin rằng thịt vịt tính mát, tốt cho cơ thể dịp nắng nóng.
Cúng Tết Đoan ngọ vào thời gian nào?
Theo lời nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh, trong quan niệm cổ truyền, dịp Tết Đoan ngọ ngày 5/5 âm lịch là lúc tiết trời oi ả. Đây là lúc chuyển mùa, sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối.
Ngày này, người dân thường cúng lễ vào sáng sớm rồi hạ lễ để cả nhà ăn các loại hoa quả chua, rượu nếp với mong muốn giết sâu bọ, mầm bệnh trong người.
Tuy nhiên, "Đoan" nghĩa là mở đầu, "Ngọ" chỉ giờ ngọ (11 tới 13 giờ) nên thời gian cúng Tết Đoan ngọ chuẩn nhất là vào giờ trưa này.
Bài văn khấn Tết Đoan ngọ theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam để độc giả tham khảo:
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ Tỷ)
Tín chủ chúng con là:…………
Ngụ tại:…………………………..
Hôm nay là ngày Đoan ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…………………, cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!